Nội dung pháp luật mới trong tháng 6 năm 2024

04.06.2024 08:5437 đã xem

1. Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện

Ngày 12/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.

Thông tư này áp dụng đối với nhà máy điện hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đấu nối với hệ thống điện quốc gia; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Thông tư nguyên tắc xác định giá phát điện được quy định như sau:

- Giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở: Các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án; Tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.

- Giá phát điện của nhà máy điện, bao gồm các thành phần sau:

+ Giá hợp đồng mua bán điện: Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xây dựng theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư này;

+ Giá đấu nối đặc thù (nếu có): Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 8 Thông tư này.

- Giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).

- Giá hợp đồng mua bán điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở:

+ Giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở không vượt quá khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện;

+ Trường hợp Năm cơ sở của nhà máy điện không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.

2. Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm

Ngày 29/3/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm.

Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, trường cao đẳng sư phạm đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này không áp dụng đối với người làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo đó, Thông tư quy định viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21 khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Trường cao đẳng sư phạm có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III), mã số V.07.08.22.

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III), mã số V.07.08.22; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2024.

3. Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái

Ngày 31/3/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.

Theo Thông tư, các trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe bao gồm:

- Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;

- Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;

- Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình;

- Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;

- Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;

- Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i, khoản 8 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019).

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.

4. Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Ngày 28/3/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Thông tư này quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa gồm: quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.

Thông tư nêu rõ, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa;

- Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng;

- Nguyên tắc “Minh bạch”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất;

- Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân bảo đảm đầy đủ quá trình truy xuất nguồn gốc theo các quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực tương ứng với chủng loại sản phẩm, hàng hóa và được công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ để công bố phù hợp dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau: Tên sản phẩm, hàng hóa; Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn); Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2024.

5. Quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 26/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, Nghị định quy định Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và đảm bảo phù hợp với tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

- Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh;

- Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Tham gia cụm liên kết ngành theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi trong ngành, lĩnh vực của cụm liên kết ngành;

- Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh;

- Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2024.

6. Quy định về mẫu Thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ thanh tra

Ngày 26/4/2024, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 05/2024/TT-TTTCP quy định về mẫu Thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ thanh tra.

Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ), cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), cơ quan thanh tra và Thanh tra viên.

Thông tư quy định người đủ điều kiện lập hồ sơ để bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên lần đầu thì đồng thời lập hồ sơ đề nghị cấp Thẻ thanh tra.

Cấp đổi Thẻ thanh tra trong trường hợp sau: Thanh tra viên được bổ nhiệm lên ngạch Thanh tra viên cao hơn; Thẻ thanh tra đã hết thời hạn sử dụng; Do thay đổi mã số thẻ, họ, tên, cơ quan công tác hoặc lý do khác dẫn đến phải thay đổi thông tin của người được cấp Thẻ thanh tra.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định thanh tra viên được xem xét, cấp lại Thẻ thanh tra đã bị mất hoặc bị hỏng do nguyên nhân khách quan.

Trình tự, thủ tục cấp lại Thẻ thanh tra được quy định như sau:

- Thanh tra viên có đơn xin cấp lại Thẻ thanh tra, trong đó báo cáo, giải trình rõ lý do mất, hỏng Thẻ thanh tra và đề nghị cấp lại Thẻ thanh tra;

- Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương xem xét, xác nhận lý do mất, hỏng Thẻ thanh tra và đề xuất với Chánh Thanh tra tỉnh việc cấp lại Thẻ thanh tra. Chánh Thanh tra Công an tỉnh, Chánh Thanh tra các cơ quan thanh tra thuộc Bộ Quốc phòng xem xét, xác nhận lý do mất, hỏng Thẻ thanh tra và đề xuất với Chánh Thanh tra Bộ Công an, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng việc cấp lại Thẻ thanh tra.

Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ xem xét, xác nhận lý do mất, hỏng Thẻ thanh tra và đề xuất với Chánh Thanh tra Bộ việc cấp lại Thẻ thanh tra;

- Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chánh Thanh tra Cơ yếu xem xét, tổng hợp danh sách, gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, ra quyết định cấp lại Thẻ thanh tra.

Đối với Thanh tra viên thuộc Thanh tra Chính phủ, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý Thanh tra viên xem xét, xác nhận lý do mất, hỏng Thẻ thanh tra và có văn bản đề nghị cấp lại Thẻ thanh tra gửi Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp;

- Căn cứ hồ sơ và văn bản đề nghị, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, ra quyết định cấp lại Thẻ thanh tra.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2024.

7. Quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu

Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.

Thông tư quy định mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng đối với quy trình chỉ định thầu thông thường quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây viết tắt là Nghị định số 24/2024/NĐ-CP):

- Mẫu số 1A sử dụng để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp;

- Mẫu số 1B sử dụng để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa;

- Mẫu số 1C sử dụng để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn;

- Mẫu số 1D sử dụng để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ tư vấn.

Đối với gói thầu hỗn hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu quốc tế, gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp, việc lập hồ sơ yêu cầu được vận dụng các mẫu quy định tại khoản này trên cơ sở bảo đảm không trái quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định mẫu báo cáo đánh giá như sau:

- Mẫu số 2A sử dụng để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;

- Mẫu số 2B sử dụng để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ;

- Mẫu số 2C sử dụng để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng.

Việc lập báo cáo đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu của gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn không qua mạng, hồ sơ đề xuất được vận dụng các mẫu quy định tại khoản này trên cơ sở bảo đảm không trái quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2024.

8. Quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới

Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 11/2024/TT-BGTVT quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới.

Thông tư quy định đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân được đơn vị đăng kiểm thực hiện lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới miễn kiểm định lần đầu và in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới; các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới.

Thông tư quy định mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu là: 46.000 đồng/xe; mức giá dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới là: 23.000 đồng/lần/xe.

Giá dịch vụ quy định tại khoản này đã bao gồm chi phí tổ chức thu Lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

- Đơn vị đăng kiểm sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

- Đơn vị đăng kiểm có nghĩa vụ công khai thông tin và niêm yết giá dịch vụ theo quy định pháp luật về giá, thực hiện chính sách thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật thuế, quản lý thuế hiện hành.

- Tổ chức, cá nhân được đơn vị đăng kiểm cung cấp dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới có trách nhiệm thanh toán giá dịch vụ cho đơn vị đăng kiểm theo mức giá quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2024.

9. Quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương

Ngày 03/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 27/2024/TT-BTC quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương.

Thông tư này áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại các cơ quan thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý tại chính quyền địa phương.

Thông tư quy định danh mục thuộc lĩnh vực tài chính phải thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác: Phân bổ ngân sách; Kế toán, Kế toán trưởng; Mua sắm công; Thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; Thẩm định, định giá trong đấu giá.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc quy định tại Điều 5 Thông tư này là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo quy định (không bao gồm thời gian tập sự của công chức, viên chức).

Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có quyết định điều động, bố trí phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định các trường hợp chưa thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/6/2024.

 

Tin tức khác